Phong cách Hoa lá tây là gì? Ý nghĩa phong cách Hoa lá tây?

Cổng nhôm đúc nghệ thuật hoa lá tây

“Hoa lá tây” hay còn gọi là “Hoa lan tây” hoặc “Cây ô rô” thường dùng để chỉ một loại hình hoa văn trang trí kinh điển trong kiến trúc Châu Âu, được ứng dụng trong nội thất (bàn ghế, giường, tủ…) và đặc biệt là ngoại thất (cổng, vách ngăn, bông gió, cột, phù điêu, đường viền…). Hoa văn “Hoa lá tây” lấy cảm hứng từ thiết kế của mẹ thiên nhiên, hai loại cây thường được sử dụng có tên là Acanthus Spinosus và Acanthus Mollis thuộc họ Acanthaceae, chúng mọc rất phổ biến tại vùng Nam Âu, đặc biệt là Hy Lạp.

Thiết kế cổ xưa nhất của Hoa lá tây thuộc về những kiến trúc sư Hy Lạp, điển hình là cột Corinthian của một ngôi đền tại Bassae ở Arcadia, vào khoảng năm 450-420 trước Công nguyên. Trong thời kỳ này, lá ô rô có cạnh nhọn, sống lá dài.

Cột trang trí hoa Tây

Cột Corinthian là điển hình tiêu biểu của hoa văn hoa lá Tây cổ đại

Đến khi La Mã chinh phục Hy Lạp, người ta biến thể chúng thành những chiếc lá tròn hơn, rộng hơn, với những đường cong khỏe khoắn. Trong khi đó, phong cách Romannesque hay còn gọi là phong cách Norman lại chú trọng vào những hình khối và đường cong lớn, tạo cảm giác bề thế, vững chắc. Sau hàng ngàn năm phát triển, vào thế kỷ 14-17, văn hóa Phục Hưng (Renaissance) với trào lưu khôi phục những tinh hoa văn hóa La Mã và Hy Lạp cổ đại, lá ô rô trong kiến trúc đã được đưa trở lại với hình dáng lá mảnh, dài như khi mới xuất hiện; bên cạnh đó, chúng cũng được cách tân với các đường nét cầu kỳ, tinh tế hơn và đặc biệt là tính chất đối xứng đặc trưng của thời kỳ văn hóa này. Cũng từ đây, Hoa lá tây đã trở thành một họa tiết trang trí kinh điển, xuất hiện trong tất cả các trường phái kiến trúc lớn ở khắp các quốc gia Châu Âu như: kiến trúc Baroque tại Ý từ cuối thế kỷ 17, kiến trúc Rococo tại Pháp từ thế kỷ 18, kiến trúc Tân cổ điển từ thế kỷ 19 cho đến tận ngày nay…

Hoa văn “Hoa lá tây” đã theo chân thực dân Pháp du nhập vào Việt Nam từ cuối thế kỷ 19, trở thành biểu tượng của đường nét kiến trúc Đông Dương (kiến trúc Tân cổ điển đã được thay đổi để phù hợp với điều kiện khí hậu nước ta). Chúng ta có thể bắt gặp hoa lá tây được sử dụng trên mọi chất liệu như gỗ, đá, đồng, thạch cao, xi măng…tại các công trình tiêu biểu cho thời kỳ này như Nhà hát lớn Hà Nội, Nhà hát lớn Sài Gòn, Bắc Bộ Phủ…

Trong khoảng 20 năm trở lại đây, cùng với sự phát triển nhanh của nền kinh tế Việt Nam, nhu cầu xây dựng nói chung và xây dựng các kiến trúc Tân cổ điển nói riêng đã và đang thực sự nở rộ. Từ các tòa nhà chung cư cao cấp đồ sộ như Royal City, The Garden…đến những vật dụng nội thất sang trọng như bộ sofa, giường ngủ…nơi mà Hoa lá tây được sử dụng phổ biến, trở thành biểu tượng cho đẳng cấp thượng lưu của gia chủ.